Sơ lược về đất nước, con người và văn hóa Bhutan

Một số hiểu biết về đất nước Bhutan.

Bhutan là một nước nhỏ ở dãy Himalaya nằm giữa khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc và Ấn Độ.

Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, Bhutan còn là một đất nước với một nền văn hóa khác biệt và để lại ấn tượng sâu đậm cho du khách đến thăm. Truyền thống của Bhutan là một thể liên kết chặt chẽ với vương quốc và tách biệt rõ ràng với các nước láng giềng bên cạnh. Bhutan là quốc gia Phật giáo Kim Cương thừa duy nhất trên thế giới. Những truyền thống Phật giáo vẫn được duy trì và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến người dân Bhutan trong cuộc sống. Bhutan còn được mệnh danh là ‘Thiên đường hạ giới cuối cùng’ (The Last Shangri-la) với môi trường tự nhiên nguyên sơ và một xã hội phát triển hài hòa.

Bhutan là một đất nước độc đáo cả về mặt văn hóa và môi trường với triết lý phát triển lấy “Tổng Hạnh Phúc Quốc nội” thay cho GDP (Tổng sản phẩm quốc nội); nơi mà sự phát triển được đo lường bằng hạnh phúc toàn diện của người dân chứ không chỉ dựa trên tổng sản phẩm trong nước.

Bhutan là một quốc gia ở “thế giới thứ ba” với hình thức nông nghiệp tự cung tự cấp lâu đời. Ngày nay, công dân Bhutan được hưởng nền giáo dục miễn phí cùng với chăm sóc y tế miễn phí. Ngoài ra, bán và sử dụng thuốc lá là hành vi phạm pháp và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Nguồn thu nhập chính của vương quốc đến từ du lịch, thủy điện và nông nghiệp.

Dù văn hóa truyền thống đã được duy trì rất tốt, đất nước mở cửa cùng với sự xâm nhập của truyền hình và internet vào năm 1999 đã tạo ra ảnh hưởng lớn tới nền văn hóa hiện đại chủ yếu tập trung vào các quán bar và phòng bi-da. Hậu quả là không có dấu hiệu phát triển nào của nghệ thuật đương đại, kinh kịch hay âm nhạc…

Người Bhutan theo Phật giáo với ngôn ngữ chính là Dzongkha (mặc dù có những khác biệt vùng miền – như Sharchopkha, ngôn ngữ chủ yếu ở miền Đông Bhutan), nổi tiếng bởi trang phục truyền thống và phong cách kiến trúc đặc trưng. Dân tộc Bhutan chủ yếu bao gồm các tộc người Ngalops và Sharchops, được gọi là Tây Bhutan và Đông Bhutan, và Lhotshamphas (Nam Bhutan). Người Ngalops chủ yếu sống ở phía Tây Bhutan và liên quan chặt chẽ với các láng giềng phía bắc như Tây Tạng.

Tổng Hạnh Phúc Quốc Nội

Triết lý này là đứa con tinh thần của nhà vua Jigme Singye Wangchuck, người thừa hưởng nền giáo dục hiện đại ở Ấn Độ và Vương quốc Anh, ông nhận ra rằng thành công về mặt kinh tế không đồng nghĩa với một xã hội ấm no hạnh phúc. Ngay sau khi đăng quang năm 1974, vị vua trẻ tuổi nhen nhóm các ý tưởng hình thành một định nghĩa mới cho sự phát triển cùng với các hướng phát triển mới để cai trị đất nước. Theo thời gian, những ý tưởng thành hình, năm 1998, chỉ số GNH được công bố. GNH là viết tắt của “Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia” (Gross National Happiness) và được xác định bởi bốn tiêu chí sau: tăng trưởng và phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, khuyến khích sử dụng bền vững của môi trường, và thiết lập quản trị tốt. Dù khái niệm GNH nhận được nhiều lời khen ngợi quốc tế và là sự hấp dẫn với các khách du lịch, du khách cũng nên biết rằng ý tưởng vẫn đang trong giai đoạn phát triển, và rất khó để có thể có cái nhìn cụ thể về GNH ngay tại Bhutan.

Ngày 19 Tháng 7 năm 2011, 68 quốc gia đã trở thành đồng tài trợ của Vương quốc Bhutan cho mục tiêu “Hạnh phúc: Hướng tới một cách tiếp cận toàn diện để phát triển”. Sáng kiến này đã được thông qua bởi sự đồng thuận của 193 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tiếp theo quyết định đó, Chính phủ Hoàng gia Bhutan đã tổ chức một cuộc họp cấp cao về “Hạnh phúc và An sinh: Xác định một mô hình kinh tế mới” vào ngày 2 tháng 4 năm 2012 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.

Cuộc họp này là bước khởi động để tiếp tục thực hiện tầm nhìn của một mô hình kinh tế hạnh phúc và bền vững mới dựa trên hiệu quả tích hợp các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, đất nước Bhutan vẫn tiếp tục là nơi đi đầu trong việc thực hiện nghị quyết này và tích cực cổ vũ khái niệm về hạnh phúc quốc dân trên trường quốc tế.