“Fly with us to the Land of Happiness” – đó là thông điệp trên slogan của hãng Bhutan Airlines. Điều đó thể hiện tất cả người dân Bhutan đều tin và tự hào rằng đất nước của họ là VÙNG ĐẤT HẠNH PHÚC.

Hạnh phúc cũng như tình yêu…

Với mình thì Hạnh Phúc cũng như Tình Yêu vậy, mỗi người sẽ có 1 khái niệm riêng về nó thông qua cảm nhận từ các giác quan. Do vậy, mọi người không nên bị nhầm lẫn giữa việc NGƯỜI DÂN BHUTAN THẤY HẠNH PHÚC và việc DU KHÁCH CÓ THẤY HẠNH PHÚC như họ không!!! Điều này cực kỳ quan trọng, vì khi bạn bị nhập nhằng giữa 2 điều này, nó sẽ dẫn bạn đến việc nghi ngờ liệu người dân Bhutan có thấy hạnh phúc thật không, sao bản thân mình không thấy vậy? Họ nghèo quá mà, cuộc sống đâu có sung túc gì cho cam, hay chính phủ của họ PR làm quá lên???

Bản thân mình đã bị như vậy, nên đó là lý do vì sao sau mấy ngày mình mới có thể suy nghĩ thấu đáo và cân bằng cảm xúc, xâu chuỗi lại tất cả những gì mình thấy, mình nghe để khách quan nhìn nhận về chuyến đi vừa rồi và vùng đất Bhutan này!

Trên đường từ sân bay về thủ đô Thimphu, mọi người đều buột miệng nói “cảnh này giống Tây Bắc của mình quá”, “khúc này y chang Đà Lạt nè”. Nói vậy để mọi người hiểu rằng Bhutan không quá đẹp đến mức huyền ảo như mọi người lầm tưởng. Bhutan cũng có rác, cũng có khói xe vào giờ cao điểm (6-8h30 tối), cũng có rãnh thoát nước cống không được thơm tho cho lắm, cũng có các lổ nhả bả trầu lem luốc trên mặt đường…

Vậy, BHUTAN CÓ GÌ? NÊN ĐI HAY KHÔNG?

Mình tin vào thuyết của Phật giáo và Khổng Tử, nhưng mình không phải Phật tử, mình không có pháp danh và cũng chưa bao giờ đọc kinh hay tìm hiểu nghiêm túc về Phật pháp nên mọi người đừng trông chờ sẽ nhìn thấy hình ảnh “monk” hay cái gì đó đẹp kỳ vĩ và nghệ thuật trong album. Những gì mình ghi lại là những gì bản thân mình thấy thích, thấy lạ và thấy yêu ở Bhutan.

Bhutan có suối nước trong, có bầu trời trong veo xanh ngắt, có bao la đồi núi phủ kín mít cây cối, có những rừng thông mà khi xe chạy qua chỉ cảm thấy “ngộp thở”, có những cây cầu treo cờ 5 màu, có những tu viện với kiến trúc hao hao nhau….. Có một VĂN HOÁ BHUTAN được thể hiện qua từng con người nơi đây.

  • Văn hoá được thể hiện qua trang phục truyền thống của họ. Họ mặc chúng mọi lúc, mọi nơi từ người già đến trẻ nhỏ.
  • Văn hoá được thể hiện qua mâm cơm thường xuyên là gạo lức và phải có ớt, bơ, sữa.
  • Văn hoá được thể hiện qua cách người dân không bao giờ nhìn bạn hay săm soi bạn như kiểu “bạn từ hành tinh nào đến vậy”. Họ cứ làm việc của họ thế thôi.
  • Văn hoá được thể hiện qua cách bán hàng, khi bạn trả giá, nếu thấy được thì họ OK, còn không được thì họ cười và nói mức giá họ muốn. Bạn dạo 1 vòng cửa hàng, không mua gì rồi đi ra, họ cũng mỉm cười, chẳng khó chịu gì cả.
  • Văn hoá được thể hiện qua việc khi bạn chụp hình họ, họ đều vui vẻ và “hợp tác”. Nếu có ai đó không muốn thì họ chỉ nói nhẹ nhàng là không chụp, chỉ vậy thôi. Thậm chí, họ biết bạn đang chụp hình lén, họ cũng không lấy làm khó chịu, họ vẫn bình thản đi, bình thản cầu nguyện, bình thản ngồi lắc vòng xoay may mắn…
  • Văn hoá được thể hiện qua trò bắn cung, khi 1 thành viên của đội bắn trúng hồng tâm, thì tất cả thành viên sẽ quay vòng tròn và nhảy hát điệu mừng chiến thắng cùng nhau.

Nhiều quá, biết liệt kê thế nào cho hết đây

Đến giờ mình cũng chẳng thể khẳng định liệu người dân Bhutan có thực sự hạnh phúc hay không, vì họ không phải lúc nào cũng nhăn răng cười khi ra đường và cũng không ai lại thô thiển đến mức đi hỏi từng người rằng bạn có hạnh phúc khi sống ở đất nước này không? Nhưng mình cảm nhận là họ hài lòng với cuộc sống hiện tại, với thể chế và cách quản lý nhà nước hiện tại. Chỉ cần 1 thẻ căn cước (ID card) trong người là đủ. Đủ để họ được hưởng đầy đủ tất cả những lợi ích hợp pháp mà nhà nước đưa ra từ giáo dục đến y tế.

Trong chuyến đi, mình may mắn được gặp và trò chuyện cùng vài người Bhutan, ngẫu nhiên tất cả họ đều từng có cơ hội học tập và sinh sống tại nước ngoài ít nhất 4 năm trở lên (Úc, Anh, Mỹ) nhưng cuối cùng họ đều quay về sống và làm việc tại Bhutan. Có người nói thỉnh thoảng họ cũng cảm thấy chán, thế là họ đi du lịch vài tháng rồi họ quay về, nói chung chẳng thể xa rời được đất Mẹ. Chỉ vậy để thấy rằng họ thực sự yêu đất nước của họ và luôn muốn cống hiến xây dựng đất nước.

Vài năm trước, Bhutan cần người nước ngoài vào để hỗ trợ họ dạy tiếng Anh trong hệ thống giáo dục, nhưng nay họ không cần nữa vì họ đã có “đội ngũ người Bhutan giỏi tiếng Anh” rồi. Gì nữa nhỉ, 1 anh người Bhutan chia sẻ quan điểm về “tình nguyện viên”. Anh ấy không hoan nghênh tình nguyện viên nước ngoài tới Bhutan và có vẻ như đa số người dân đều vậy. Anh ấy cho rằng đã là tình nguyện viên thì bạn có thể làm tình nguyện ở bất kỳ đâu, đặc biệt là ngay đất nước của mình, chứ chẳng cần đi đâu xa xôi cả; bạn đến cũng không giúp gì được người dân nơi đây vì bạn không thể nào hiểu rõ được những vấn đề gì mà họ đang gặp phải, thậm chí có thể chính phủ còn phải tốn tiền cho bạn. Nếu muốn giúp đỡ, xin hãy tài trợ người Bhutan đi ra nước ngoài học hỏi, mở mang kiến thức và quay về giúp đồng bào của mình. Mình hoàn toàn đồng ý quan điểm này của anh ấy, rất rõ ràng và thực tế!

Bhutan cũng có vấn đề xã hội chứ. Giới trẻ của họ cũng có thời kỳ “nổi loạn”, trên đường phố thủ đô không khó để mọi người nhìn thấy thanh niên xăm trổ đầy tay, ăn mặc cực kỳ thời trang, nam thanh nữ tú sử dụng thiết bị điện tử hiện đại như iphone, ipad… khá nhiều. Nhưng khi đến độ tuổi trưởng thành, chẳng ai ép, họ sẽ tự động về lại với văn hoá gốc của mình.

Vậy NÊN ĐI HAY KHÔNG là do quyết định của mỗi cá nhân. Với mình thì mỗi vùng đất mới, dù có để lại ấn tượng mạnh mẽ hay chỉ là những phút giây yên bình thoáng qua thì cũng đều đáng để khám phá nếu có điều kiện vì đi một ngày đàng, học một sàng khôn!

Sài Gòn, tháng 06/2016

Link album của khách – Peu Kitchen